NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG
"Con đò của mẹ": Nỗi đau chiến tranh và khát vọng hoà bình
Phương Nhung - Ảnh: Hồng Nam
14:24 - 24/03/2025
180
Nhân kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; 115 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2025), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm phối hợp với Nhà hát Kịch Công an nhân dân biểu diễn vở kịch “Con đò của mẹ”.
“Con đò của mẹ” ca ngợi đức hy sinh cao cả của người mẹ Việt Nam Anh hùng, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tình báo công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vở kịch đã được Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc năm 2021.
Nội dung câu truyện kể về một gia đình có truyền thống cách mạng với những hy sinh to lớn cho Tổ quốc. Người chồng (nghệ sĩ Việt Tùng) là một chiến sĩ tình báo đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để hoạt động trong hàng ngũ của địch. Suốt những năm tháng đó, vợ của anh (nghệ sĩ Thanh Mai) chịu đựng mọi lời đàm tiếu của xã hội để nuôi con khôn lớn.
Ngược dòng thời gian, khi người phụ nữ tiễn chồng đi theo con đường cách mạng với những day dứt khôn nguôi. của 19 năm trước thì 19 năm sau, lại một lần nữa người mẹ tiễn con lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhưng tình cảnh éo le thay khi người chồng mang tiếng phản quốc lại trở thành kẻ thù của con trai mình. Nội tâm người phụ nữ bị giằng xé khi một bên là tình yêu dành cho chồng, người mà cô đã từng tin tưởng và yêu thương, nay lại bị coi là kẻ phản quốc, và bên kia là con trai mình, người mà cô không thể nào quay lưng. Cho đến khi người chồng được minh oan, thì vợ và con trai mới vỡ oà trong cảm xúc tự hào. Những tình tiết trong vở kịch đã tạo ra một chuỗi cảm xúc từ xót xa đến tự hào, từ đau đớn đến sự ngưỡng, mộ chạm đến trái tim của mỗi người xem. Vở kịch truyền tải thông điệp về tình yêu quê hương sâu sắc của một gia đình cách mạng, đồng thời tôn vinh niềm tự hào dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh đó, câu chuyện khai thác những yếu tố xoay quanh nhân vật Quang (diễn viên Việt Tùng thủ vai), là con trai của một gia đình giàu có. Quang đáng ra có thể sống một cuộc đời yên bình, hưởng thụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử của đất nước, anh đã quyết định từ bỏ tất cả, rời xa gia đình để theo đuổi lý tưởng cách mạng. Nhân vật Quang là biểu tượng của lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh bản thân vì mục tiêu cao cả. Những mâu thuẫn nội tâm của Quang, khi đứng giữa tình yêu, tình cảm gia đình và trách nhiệm của bản thân với đất nước… tất cả tạo nên chiều sâu, và có nhiều “đất” để nghệ sĩ Việt Tùng thoả sức sáng tạo cho nhân vật của mình. Chính vì thể, nghệ sĩ Việt Tùng đã khắc họa Quang một cách sống động, đem đến cho khán giả những khoảnh khắc xúc động và nhiều suy ngẫm về lựa chọn trong cuộc đời.
Chia sẻ về vai diễn, nghệ sĩ Việt Tùng (vai Quang) cho biết: “Không chỉ riêng mình nhân vật Quang mà những con người ở thời điểm lịch sử ấy, từ thanh niên trai tráng đến người mẹ tần tảo, bất kể già trẻ, trai gái đều sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng nhân vật Quang lại là một trường hợp đặc biệt, bởi anh ấy sãn sàng từ bỏ cuộc sống đủ đầy để chạy theo lý tưởng. Tôi nghĩ, dù bất kỳ ở thời đại nào, người Việt Nam máu đỏ da vàng sẽ luôn sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Với nghệ sĩ Việt Tùng, những khó khăn bước đầu khi tìm hiểu về vở diễn là định hình tính cách nhân vật. Anh cho rằng: "Với vở kịch "Con đò của mẹ" đã từng được diễn trên nhiều sân khấu, thách thức lớn nhất đối với tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Công an nhân dân là làm sao để mỗi lần tái hiện, các vai diễn không chỉ hay hơn mà còn phải mang chiều sâu nội tâm, truyền tải được thông điệp về tình yêu Tổ quốc thật trong sáng, qua đó tôn vinh hình tượng người mẹ Việt Nam Anh hùng, người chiến sĩ tình báo Công an nhân dân một cách sâu sắc, tinh tế hơn".
Cảnh cuối gây xúc động mạnh cho người xem khi người mẹ vì thương con, nhớ chồng nên vẫn mãi ở trong con đò ngày xưa, cho dù con đò theo thời gian đã không còn vẹn nguyên như cũ. Hình ảnh tấm thân già hiu quạnh của người mẹ nâng niu di ảnh liệt sỹ là của chồng và con trai gợi lên nỗi đau chiến tranh đã để lại biết bao mất mát đau thương cho bao gia đình, bao người mẹ Việt Nam như "mẹ Thắm".
Khán giả Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi được xem “Con đò của mẹ”. Hai lần trước chỉ qua màn ảnh nhỏ, nhưng hôm nay tôi may mắn được chứng kiến phiên bản sân khấu đầy chân thực, từ bối cảnh đến phục trang, tất cả đều được nghệ sĩ Nhà hát Kịch Công an nhân dân tái hiện vô cùng sống động. Cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu - một vở kịch chạm đến trái tim người xem với câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Tôi đặc biệt xúc động với cảnh cuối, khi sau bao biến cố, người mẹ lặng lẽ đối diện với nỗi cô đơn, nhớ về người chồng, người con đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc. Chỉ những ai từng trải qua thời kỳ ấy, từng làm mẹ, mới thực sự thấu hiểu nỗi đau sâu thẳm mà nhân vật Thắm đã phải gánh chịu”.
Vở kịch "Con Đò Của Mẹ" không chỉ khắc hoạ một cách trọn vẹn và sống động về hình tượng người mẹ Việt Nam Anh hùng; Người chiến sĩ tình báo Công an nhân dân, mà còn là một lời tri ân sâu sắc đến thế hệ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống.
Một số hình ảnh tại đêm diễn:
Tin tức liên quan
Hồ Gươm Opera
Quy định
@ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera