NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG
“Bài ca Chiến thắng” - Thông điệp về tình yêu Tổ quốc và khát vọng hòa bình
Phương Nhung, Linh Nhi. Ảnh: Hồng Nam
08:02 - 03/05/2025
121
Nhân kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Phát-xít (09/5/1945 – 09/5/2025), Bộ Công an, Cục Công tác chính trị chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật “Bài ca Chiến thắng”, giới thiệu những tác phẩm ca ngợi Tổ quốc và khát vọng hòa bình của Việt Nam và những ca khúc Nga - lời Việt, gửi gắm thông điệp về tình yêu Tổ quốc và khát vọng hoà bình.
Tham dự chương trình có sự hiện diện của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Phu nhân; ông Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Cùng sự hiện diện của các đồng chí Ủy viên Trung ương, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội, các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Như chúng ta đã biết, trong những ngày tháng 4 lịch sử, đất nước Việt Nam hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nhiều hoạt động ý nghĩa. Là một trong những quốc gia từng trải qua chiến tranh và bị đô hộ, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những giá trị của hòa bình, càng thấm thía ý nghĩa chiến thắng của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, của tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Chiến thắng Phát-xít mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á vùng lên xóa bỏ xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa toàn cầu. Suốt chặng đường gần một thế kỷ, Liên Xô trước đây (Liên bang Nga ngày nay) luôn đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong xây dựng, phát triển. Nước Nga không chỉ là người bạn lớn về chính trị, quốc phòng, kinh tế mà còn là chiếc nôi vun đắp tâm hồn cho nhiều thế hệ người Việt bằng nền văn hóa đậm chất nhân văn, sâu lắng và hào sảng. Những người Nga, chủ nhân của nền văn hóa mang chiều sâu tri thức và tinh thần quốc tế vô sản đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong trái tim người Việt. Cho đến hôm nay, tinh thần và vẻ đẹp của văn hóa, nghệ thuật nước Nga vẫn hiện hữu trong đời sống của người Việt Nam và được lan tỏa bằng nhiều hoạt động ngoại giao văn hoá. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước không ngừng được vun đắp, trở thành biểu tượng của sự gắn bó thủy chung, tin cậy và hợp tác toàn diện. Một trong những nền tảng vững chắc gắn kết Việt Nam và Nga chính là sự tương đồng trong lý tưởng và đường lối cách mạng, và cũng có những điểm tương đồng về văn hóa, nghệ thuật.
Chương trình nghệ thuật “Bài ca Chiến thắng” diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn và lan tỏa thông điệp hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam - Liên bang Nga. Chương trình nghệ thuật được mở đầu bằng 2 tác phẩm “Ngày chiến thắng” của David Tukhmanov và “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà đầy hào sảng, rộn ràng niềm hân hoan mừng Tổ quốc độc lập.
Có mặt trong chương trình “ Bài ca Chiến thắng”, Ngài Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam cho rằng, chính âm nhạc là cầu nối đưa hai nền văn hóa của hai quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau bằng những giai điệu chan chứa cảm xúc.
Ngài Bezdetko Gennady Stepanovich khẳng định: “Người Việt Nam từ lâu đã dành tình cảm đặc biệt cho nhân dân Nga và các ca khúc Nga, trong đó nhiều bản nhạc như: “Đôi bờ”, “Cachiusa” hay “Chiều Matxcơva” đã trở thành một phần ký ức âm nhạc của nhiều thế hệ. Ngược lại, người dân Nga cũng biết đến những bài hát Việt Nam ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Danh nhân văn hoá thế giới, khi được chuyển ngữ sang tiếng Nga. Kho tàng âm nhạc Nga - Việt là sợi dây kết nối văn hóa giữa hai dân tộc. Bên cạnh những giai điệu quen thuộc đã in đậm trong lòng công chúng, chúng tôi luôn nỗ lực giới thiệu tới khán giả Việt Nam những sắc màu âm nhạc đương đại Nga. Và các nghệ sĩ Liên bang Nga cũng có cơ hội biểu diễn tại Việt Nam và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả”.
Khác với sự hào sảng của những ca khúc mừng chiến thắng, các nhạc sĩ là những chiến sĩ trực tiếp có mặt trên trận tuyến đã ghi lại chặng đường gian khổ với ca từ thấm đẫm lời tự tình dân tộc, cùng những giai điệu trữ tình nhưng cũng thật hào sảng như “tiếng vọng hồn thiêng núi sông” - đó là bức tranh sống động lưu lại cho muôn đời sau mãi khắc ghi như: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, “Miền xa thẳm” của nhạc sĩ Đức Trịnh… Những tác phẩm này đã đi cùng năm tháng, hằn in trong ký ức bao người.
NSƯT Phạm Khánh Ngọc - người đã thổi hồn vào nhiều ca khúc cách mạng, trong đó có “Miền xa thẳm” của thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh chia sẻ: “Miền xa thẳm” là một tác phẩm khó, cả về mặt kỹ thuật thanh nhạc lẫn chiều sâu cảm xúc, nội tâm. Bản nhạc có những đoạn cao trào, đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc chắc chắn, cùng với đó là phần diễn biến tâm lý phức tạp, buộc người nghệ sĩ phải nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện được trọn vẹn tinh thần tác phẩm. Là một nghệ sĩ opera, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu tác phẩm, dù đây không phải là lần đầu tiên tôi thể hiện ca khúc này, nhưng trong chương trình kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát-xít, bài hát lại mang một ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ hết. Tác phẩm khắc họa hình tượng người lính ra trận và sự hy sinh và sự chờ đợi âm thầm của người phụ nữ nơi hậu phương. Tôi muốn tìm một cách thể hiện vừa truyền tải được sự giằng xé trong tâm hồn người phụ nữ, vừa lan tỏa niềm tin và khát vọng, một ngày nào đó, người yêu, người lính sẽ trở về”,
Chất trữ tình, sâu lắng nhưng cũng đầy hào sảng của âm nhạc Nga hòa quyện cùng tình cảm nồng hậu của người Việt Nam, đã góp phần khiến cho những ca khúc Nga, lời Việt lan tỏa và được yêu thích như: “Chiều Mátxcơva” (nhạc: Vasily Solovyov-Sedoi; lời Việt: Vương Thịnh), “Đôi bờ” (nhạc: Andrey Yakovlevich Eshpai; lời việt: Vương Thịnh), “Thời thanh niên sôi nổi” (nhạc: Aleksandra Nikolayevna Pakhmutova; lời Việt: Phạm Tuyên)... Mỗi lần giai điệu cất lên đều lay động con tim, khơi dậy cảm tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương trong mỗi người. Và càng đặc biệt hơn khi được vang lên trong chương trình “Bài ca Chiến thắng”, mang đến những khoảnh khắc lắng đọng và hoài niệm, bởi âm nhạc đưa khán giả, đặc biệt là những người đã trải qua chiến tranh, những người đã từng sinh sống học tập ở nước Nga xa xôi như thấy khoảng cách đại lý gần lại bởi chính âm nhạc như cầu nối qá khứ với hiện tại, hun đúc thêm tình hữu nghị bền chặt và sự đồng điệu trong hồn người giữa hai dân tộc.
Trong suốt những thập kỷ qua, nhiều nghệ sĩ tài danh của Việt Nam ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc hàn lâm được đào tạo tại các Nhạc viện, các Trường nghệ thuật danh tiếng của nước Nga và cũng có nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam ở lại gắn bó với nước Nga và trở thành những nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi. Chính vì thế, văn hóa Nga, con người Nga và âm nhạc Nga đã đi sâu vào trái tim nhiều thế hệ.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh - nghệ sĩ từng có thời gian học tập tại nước Nga nhớ lại những kỷ niệm khó quên khi chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội biểu diễn trong chương trình nhiều ý nghĩa này. Anh bày tỏ: “Tôi may mắn có thời gian dài học tập tại Nga. Những tác phẩm trong chương trình Bài ca Chiến thắng, tôi đã từng được hát và thể hiện cùng Dàn hợp xướng khi lưu diễn tại nhiều nơi trên đất nước Nga. Với tôi, đó là những giai điệu thân thuộc, gắn liền với ký ức tuổi trẻ. Lần này, được thể hiện lại những tác phẩm ấy trong một chương trình hòa nhạc đặc biệt, cùng với Dàn nhạc và các nghệ sĩ Việt Nam là một trải nghiệm xúc động. Khi cùng ê kíp thực hiện chương trình, tôi nhận thấy ranh giới giữa âm nhạc Nga và âm nhạc Việt gần như không còn, hòa quyện với nhau một cách tự nhiên. Có lẽ bởi giữa hai dân tộc đều có điểm chung về sự nồng ấm, lòng yêu nước và tình cảm sâu sắc dành cho quê hương. Chính điều đó khiến âm nhạc dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng dễ dàng chạm đến trái tim người nghe”.
Là một trong những nghệ sĩ đã được đào tạo tại Học viện âm nhạc Gnessin - Liên bang Nga, nghệ sĩ Nguyễn Khắc Hoà chia sẻ: “ Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với cuộc kháng chiến chống phát xít của nhân dân Liên Xô trước đây. Chính từ những năm tháng hào hùng ấy, hình tượng người anh hùng cách mạng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, khắc sâu trong tâm thức của người dân Nga và con người Việt. Có lẽ vì vậy, khi hát những ca khúc cách mạng Việt Nam hay những bản nhạc Nga trên chính quê hương mình, tôi không cảm nhận được sự khác biệt quá rõ ràng bởi chúng cùng vang lên từ trái tim yêu nước, từ khát vọng tự do và niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa”.
Phần 2 của chương trình gây ấn tượng mạnh bởi sự xuất hiện của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân với “Lời tạm biệt Slavianka” của Vasiliy Agapkin và “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ Doãn Quang Khải, với những giai điệu trang nghiêm, hùng hồn, nhưng cũng chứa chan tình cảm, như lời tri ân gửi tới những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do và khát vọng hoà bình không chỉ của hai dân tộc Việt Nam - Nga mà mang theo thông điệp hoà bình cho nhân loại.
Chương trình “ Bài ca Chiến thắng” đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Khán giả không chỉ được đắm chìm trong những tác phẩm thanh nhạc với những ca từ, giai điệu đẹp và nhân văn qua sự thể hiện tinh tế và giàu cảm xúc của các nghệ sĩ mà còn được thưởng thức những tác phẩm khí nhạc của những thiên tài âm nhạc như “Symphony No. 5 (Finale)” của Nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich, “Overture 1812, op. 49 (Finale)” của Nhà soạn nhạc Pyotr Tchaikovsky do Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội biểu diễn dưới sự dẫn dắt của Nhạc trưởng Trần Nhật Minh.Một số hình ảnh trong đêm diễn
Bài ca Chiến thắng" khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc, niềm tự hào dân tộc và tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc Việt - Nga. Âm nhạc đã một lần nữa chứng minh sức mạnh lan tỏa kỳ diệu, vượt qua không gian, thời gian, kết nối và hàn gắn vết thương chiến tranh, nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và khát vọng hoà bình.
Chương trình biểu diễn liên quan
Tin tức liên quan
Hồ Gươm Opera
Quy định
@ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera