NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG

“Người thứ 3”: Giữa hai làn đạn và thân phận con người trong cuộc chiến

Linh Nhi, Phương Nhung -Ảnh: Hồng Nam

07:59 - 01/05/2025

97

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Cục Công tác Chính trị (Bộ Công an) chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm phối hợp với Nhà hát Kịch Công an nhân dân biểu diễn vở kịch “Người thứ ba”. Vở diễn gửi gắm thông điệp về tình yêu Tổ quốc, đức hy sinh của người chiến sĩ trong những thời khắc đầy cam go giữa hai chiến tuyến trong lịch sử.

Ngay từ tên gọi “Người thứ ba” đã gợi mở nhiều tầng ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là một khái niệm của mối quan hệ cá nhân, mà ẩn dụ để chỉ người đứng giữa hai chiến tuyến - một bên là chính quyền Việt Nam Cộng hòa, một bên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trong bối cảnh ấy, có những người không thuộc hẳn về bất kỳ bên nào, nhưng mang trong mình cùng một khát vọng  đấu tranh vì hòa bình. Họ là những con người khó định danh nhưng cũng không thể thiếu trong giai đoạn lịch sử ấy.

“Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ” do Quỳnh Như thể hiện, một khúc hát mang âm hưởng dân ca dịu dàng mà da diết, phản ánh vẻ đẹp nội tâm và khát khao yêu thương của nữ chiến sĩ

Vở kịch “Người thứ ba” chạm đến cảm xúc người xem không chỉ bằng diễn xuất đầy tinh tế của các nghệ sĩ mà còn bởi âm nhạc đầy xúc cảm. Ngay từ phần khai từ vở kịch, ca khúc “Mãi gọi tên anh”được nhạc sĩ Bùi Anh Tôn sáng tác riêng cho vở riêng có giai điệu nhẹ nhàng như một lời thì thầm vọng về từ quá khứ. 

Tiếng piano lúc trầm, lúc bổng, khi dồn dập, lúc réo rắt, mở ra không gian hồi tưởng đầy cảm xúc, dẫn dắt khán giả vào câu chuyện một cách đầy tự nhiên và cuốn hút. Giai điệu ấy xuất hiện nhiều lần trong suốt vở diễn, tạo nên một dòng chảy cảm xúc liền mạch từ quá khứ tới hiện tại.

Sân khấu được thiết kế tối giản nhưng giàu tính biểu tượng, bởi cách bài trí, sắp đặt có chiều sâu nghệ thuật mà vở diễn hướng tới. Bên cạnh đó, từng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng được sử dụng linh hoạt, góp phần quan trọng trong việc tái hiện chân thực bối cảnh rừng núi thời chiến cũng như cuộc sống sau ngày hoà bình. 

Khán giả Minh Hòa xúc động tậm sự: “Tôi xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng. Nội của tôi là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, còn ông nội, bác và cậu tôi đều là liệt sĩ. Chính vì vậy, khi xem vở kịch này, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và trân trọng những giá trị lịch sử. Từ âm nhạc đến nội dung vở diễn, các nghệ sĩ đều thể hiện xuất sắc; sân khấu được dàn dựng hợp lý, hài hòa. Đây thực sự là một chương trình khiến tôi cảm động và tự hào. Và vô cùng trân trọng biết ơn hơn khi vở kịch được diễn đúng dịp 30/4”.

Vở kịch “Người thứ ba” khắc họa hình tượng những trí thức, văn nghệ sĩ đồng thời cũng là những người chiến sĩ mưu trí, dũng cảm mang trong mình lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhân vật Hoàng Xuân Bảo (nghệ sĩ Ngọc Dương thủ vai) không chỉ là người chen vào mối tình giữa Quỳnh Như và Huy Hoàng, mà còn là đại diện cho một “lực lượng thứ ba” trong cuộc chiến. Đó là những trí thức thành thị, đặc biệt là tầng lớp trẻ, không đứng về phía chính quyền Sài Gòn, cũng không trực tiếp theo Mặt trận Giải phóng, mà tin vào con đường hoà hợp, hòa giải dân tộc, phi bạo lực, không đổ máu. Là con trai của nghị sĩ Trần Lệ Băng (nghệ sĩ Thu Hà thủ vai), người ủng hộ giải pháp trung lập, Hoàng Xuân Bảo đại diện cho bộ phận người Việt từng khắc khoải đi tìm hòa bình trong chiến tranh, và cũng chính vì thế, là nhân vật để lại nhiều suy ngẫm nhất về sự dằn vặt, lựa chọn và trách nhiệm trong thời khắc chia đôi đất nước.

Một trong những cao trào gây xúc động với khán giả là khi chiến sĩ tình báo (Huy Hoàng) bị phát hiện giữa lòng địch. Anh đã quyết  chọn cách hy sinh cảm tử để bảo vệ đồng đội và lý tưởng cách mạng mà anh phụng sự. Khoảnh khắc anh siết chặt quả lựu đạn trong tay, bên cạnh bản nhạc đang viết dở tặng người thương, khiến nhiều khán giả rưng rưng nước mắt. Bởi ở đó, nơi tình yêu lứa đôi hòa vào tình yêu nước; nơi cái chết không phải là kết thúc, mà là khúc cảm tử cho sự bất tử của niềm tin và lòng trung thành.

Diễn viên Văn Tuấn, vai nhạc sĩ Huy Hoàng tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi hóa thân vào một nhân vật vừa là nhạc sĩ vừa là chiến sĩ biệt động. Khi mới nhận vai, tôi không khỏi hồi hộp, bởi đây là một hình tượng mới mẻ, đòi hỏi chiều sâu nội tâm. Nhưng càng nghiên cứu, tôi càng bị cuốn hút bởi nhân vật này, một nhạc sĩ lãng tử, bay bổng nhưng lại mang trong mình sứ mệnh và lý tưởng của một chiến sĩ tình báo. Điều đó khiến tôi cảm thấy nhân vật này có sự đồng điệu với bản thân. Để khắc họa trọn vẹn vai diễn, tôi đã tìm hiểu kỹ về những nhạc sĩ, chiến sĩ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến, đặc biệt là giai đoạn 1955 - 1975. Từng chi tiết đều phải được chăm chút cẩn thận. May mắn thay, tôi nhận được sự hướng dẫn tận tình từ Đạo diễn, NSND Lê Hùng. Anh không chỉ giúp tôi khai thác chiều sâu nhân vật mà còn dàn dựng nhiều chi tiết đắt giá, giúp tôi từng bước hòa mình vào vai diễn. 

Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: Quỳnh Như (nghệ sĩ Thanh Mai thủ vai) , nữ chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tình yêu và hạnh phúc cá nhân vì độc lập dân tộc; Huy Hoàng (nghệ sĩ Văn Tuấn thủ vai), nhạc sĩ kiêm chiến sĩ tình báo và Hoàng Xuân Bảo (nghệ sĩ Ngọc Dương thủ vai), thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng hòa, người đứng giữa hai thế lực đối nghịch. Mỗi nhân vật phải đối mặt với những lựa chọn đầy khó khăn, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng nhưng khát vọng hoà bình và tình yêu tổ quốc bất diệt đã khiến họ vượt lên tất cả.

Tác giả Nguyễn Minh Anh, người dành nhiều suy nghĩ, trăn trở khi viết kịch bản “Người thứ ba” chia sẻ: “Vở kịch không đơn thuần là hành trình tái hiện lịch sử, mà còn là nỗ lực chạm đến chiều sâu tâm hồn của những con người đã sống và cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng. Điều thôi thúc tôi lựa chọn đề tài này chính là lòng tri ân đối với các chiến sĩ đồng thời là những nghệ sĩ , những người đã gửi trọn tuổi trẻ và tài năng cho đất nước”. 

“Có những nỗi đau mang ý nghĩa cao cả” - câu nói của chính tác giả vở kịch như một lời thổ lộ đầy thấu cảm, không vang lên trực tiếp trong lời thoại nhưng thông điệp ấy lại âm thầm lan toả bởi tình tiết câu chuyện được tác gỉa khai thác và chuyển tải thông qua hình tượng của các nhân vật . Thông điệp ấy lặng lẽ dẫn dắt khán giả qua những cung bậc cảm xúc đẩy lên cao trào rồi lắng lại trong hồi kết, để lại trong lòng người xem một nỗi xúc động sâu xa về những hy sinh lặng lẽ mà vĩ đại.

Khán giả Lê Thuần chia sẻ: "Tôi rất khâm phục những nghệ sĩ, chiến sĩ trong vở kịch này. Họ không chỉ diễn, mà như đang sống lại ký ức của những người chiến sĩ thực thụ. Những nghệ sĩ ấy mang trong mình tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì niềm tin, niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do cho đất nước. Họ thực sự đã truyền tải được cái hồn của một thời đại vào từng vai diễn".

Khán phòng Nhà hát Hồ Gươm đêm 30/4 có những cảm xúc lặng động lạ thường. Trong những ánh mắt rưng rưng ngấn lệ, còn có cả những nụ cười sót xa… “Người thứ ba” không chỉ là một tác phẩm sân khấu, tái hiện lại những mảnh ghép của lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của niềm tin, lòng yêu nước và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ. Trong những khoảnh khắc nghệ thuật được thắp lên bằng tâm huyết của người viết, người diễn và cả người xem, vở kịch đã vượt khỏi khuôn khổ một buổi biểu diễn để trở thành một trải nghiệm tinh thần – nơi quá khứ và hiện tại gặp nhau trong sự tri ân sâu sắc. Những thông điệp lặng lẽ ấy sẽ còn tiếp tục ngân vang trong lòng khán giả niềm xúc động và tự hào về những con người đã sống, chiến đấu và cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc.

Một số hình ảnh của vở kịch

 

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera