NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG

Kiệt tác opera Carmen hồi sinh sống động giữa lòng Hà Nội

Phương Nhung, Linh Nhi - Ảnh: Hồng Nam

08:26 - 26/04/2025

165

Hai đêm opera Carmen diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm để lại dư âm sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật hàn lâm. Ngay tư khi bước vào sảnh, khán giả như lạc bước vào một không gian ngập tràn những đoá hồng nhung đỏ thắm, tượng trưng cho sự lãng mạn, tình yêu vĩnh cửu và sự tinh tế - đó cũng như một lời chào đón khán giả đầy trọng thị.

Có mặt từ sớm, nhiều khán giả không giấu nổi sự phấn khích, thốt lên những lời cảm thán, bởi họ như được bước vào một châu Âu thế kỷ XIX sống động.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Carmen được hồi sinh trọn vẹn nguyên tác từ năm 1875 do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Hoàng gia Versailles, Trung tâm Âm nhạc Lãng mạn Pháp Palazzetto Bru Zane và Nhà hát Rouen Normandie trình diễn. Đây cũng là thành quả minh chứng cho sự hợp tác vô cùng tốt đẹp giữa Nhà hát Hoàng gia Versailles và Nhà hát Hồ Gươm. Đặc biệt Trung tâm Âm nhạc Lãng mạn Pháp Palazzetto Bru Zane đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc trường phái Lãng mạn Pháp trong đó có opera Carmen, góp phần vào việc đưa Carmen hồi sinh sau 150 năm và lan toả ra thế giới. 

Nghệ sĩ Violin Raphael Aubry chia sẻ: “Chúng tôi từng biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2024 cùng các nghệ sĩ Nhà hát Hoàng gia Versailles. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được trở lại nơi này bởi chuyến lưu diễn trước đã để lại trong tôi những ký ức thật tuyệt vời. Và lần này, được biểu diễn vở Carmen tại Nhà hát Hồ Gươm là một niềm vinh dự lớn lao. 

Tôi nghĩ rằng, với nhiều khán giả, đây có lẽ là lần đầu tiên họ được trực tiếp thưởng thức một vở opera trọn vẹn như thế này. Tôi có thể cảm nhận rất rõ không khí tĩnh lặng đặc biệt một sự lắng nghe đầy chú tâm và đôi khi là những phản hồi rất tinh tế từ phía khán phòng. Với chúng tôi, đó là món quà vô giá, là sự kết nối thầm lặng nhưng sâu sắc giữa nghệ sĩ và người thưởng thức”.

Việc phục dựng vở opera Carmen là một cuộc nghiên cứu chuyên sâu từ nội kịch bản, âm nhạc, tái hiện lại bối cảnh, chi tiết cảnh trí, phục trang, đạo cụ… đến cả từng chi tiết và những yêu cầu khắt khe cả về yếu tố kỹ thuật như thiết kế âm thanh, ánh sáng, chất lượng khán phòng – nơi phải đảm bảo độ vang, độ ấm và khả năng truyền tải âm thanh chuẩn xác, để giọng hát và dàn nhạc có thể lan tỏa trọn vẹn đến từng hàng ghế khán giả. 

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Khán phòng Nhà hát Hồ Gươm được thiết kế ưu tiên cho lĩnh vực âm nhạc cổ điển, với chất lượng âm thanh đạt chuẩn quốc tế. Hệ thống âm thanh hiện đại không chỉ mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho các buổi hòa nhạc cổ điển mà thiết kế sân khấu còn linh hoạt, đáp ứng tốt nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. 

Đặc biệt, với các dàn nhạc cổ điển quốc tế, những chương trình opera hay ballet, âm thanh tại Nhà hát Hồ Gươm thực sự tạo nên một không gian lý tưởng, nơi khán giả có thể cảm nhận trọn vẹn từng cung bậc cảm xúc của từng loại hình nghệ thuật hàn lâm. Tôi tin rằng, đây là một trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời dành cho người yêu nhạc cổ điển".

Để tái tạo lại Carmen, đội ngũ sản xuất đã sử dụng nhiều loại tài liệu khác nhau, trong đó quan trọng nhất là “livret de mise en scène” – bản ghi chép chi tiết về mọi di chuyển của các diễn viên trên sân khấu. Đây là một quyển tài liệu không chỉ mô tả bằng văn bản mà còn vẽ sơ đồ vị trí của các yếu tố sân khấu và nhân vật chính. Những mũi tên được sử dụng để chỉ rõ cách di chuyển của diễn viên trong từng màn diễn, giúp tái tạo chính xác dàn dựng sân khấu như nguyên bản.

Đạo diễn Romain Gilbert đã cố gắng theo sát nguyên tác tiểu thuyết “Carmen” của Mérimée để làm cho các nhân vật trở nên mạnh mẽ và dữ dội hơn so với cách thể hiện trong phiên bản năm 1875. Ví dụ điển hình là cảnh đối đầu giữa Don José và Carmen, khi Don José nói: "Tu m'entendras, tu m'entendras, tu m’entendras!" ("Em phải nghe anh, em phải nghe anh, em phải nghe anh!"). Đạo diễn cảm nhận rằng hợp âm kết thúc cảnh này giống như một cú đánh mạnh, nên đã dàn dựng một cái tát, tạo ra khoảnh khắc kịch tính trước sự im lặng hoàn toàn. Điều này giúp kết nối trực tiếp giữa bạo lực và cái chết tất yếu trong màn IV.

Một trong những điểm đặc biệt là hệ thống ánh sáng được điều chỉnh để mô phỏng đèn khí thế kỷ XIX, tạo nên bầu không khí thơ mộng và chân thực. Ánh sáng sân khấu khi Carmen ra mắt khác hoàn toàn so với ngày nay. Khi đó, sân khấu chỉ được chiếu sáng bằng đèn dầu và nến, tạo ra hiệu ứng ánh sáng mềm mại và tập trung vào các điểm quan trọng. Để tái hiện điều này, nhóm thực hiện sử dụng đèn LED nhưng bố trí theo phong cách chiếu sáng cổ điển, đảm bảo giữ được không gian ánh sáng như nguyên bản.

Một điều thú vị là vở Carmen công diễn lần này có sự góp mặt của các em học sinh đến từ dàn hợp xướng Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin. Việc được tham gia tập luyện và biểu diễn trên cùng sân khấu với những nghệ sĩ tên tuổi là một trải nghiệm quý giá, mở ra cho các em cơ hội học hỏi sâu sắc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. 

Anh Phan Huy Phúc - Phụ trách hợp xướng Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin cho biết: “Với tôi, là người làm trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc, điều quan trọng nhất đối với các bạn trẻ là trải nghiệm thực tế với những sân khấu lớn. Và không có gì tuyệt vời hơn khi được tham gia một vở opera bằng tiếng Pháp với một ekip đến từ Pháp. Đây thực sự là lần đầu tiên các bạn đứng trên sân khấu, vừa diễn, vừa hát, vừa học lời, vừa làm quen với nhịp điệu dàn nhạc – tất cả đều diễn ra trong thời gian thực. Tôi rất mừng khi thấy các bạn rất vui khi tham gia, nhưng rồi nhiều em cảm thấy buồn khi trải nghiệm này kết thúc".

Carmen khi được tái hiện lại nổi bật với sự trung thành tối đa với phiên bản gốc năm 1875, từ trang phục, bối cảnh đến ánh sáng sân khấu. Các bộ trang phục được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên tranh khắc và bản vẽ lịch sử, với nỗ lực phục chế hoặc sáng tạo lại những chất liệu, họa tiết mang đậm chất thế kỷ XIX. 

Các bản vẽ của nhà xuất bản âm nhạc Choudens và tranh khắc thời xưa giúp phục dựng trang phục của Carmen, tuy nhiên, không phải tất cả trang phục đều có sẵn bản vẽ. Một số chi tiết phải được thực hiện lại dựa trên nghiên cứu về thời trang thế kỷ 19. Tất cả những nỗ lực này không chỉ nhằm mang lại một màn trình diễn nghệ thuật hoàn mỹ. Ví dụ, Escamillo ban đầu đi giày cao gót nữ tính – một chi tiết bất ngờ nhưng hoàn toàn phù hợp với thời đại đó.

Khi tấm màn nhung khép lại, khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm không khỏi xúc động với những dư âm mạnh mẽ từ âm nhạc, những cảm xúc dồn nén qua từng cảnh diễn, và vẻ đẹp thăng hoa của nghệ thuật được thể hiện trọn vẹn trên một sân khấu đẳng cấp.

Khán giả Bích Liên bày tỏ sự xúc động: “Ngay khi bước chân vào Nhà hát Hồ Gươm, tôi đã cảm nhận được sự trang trọng. Và khi tiếng nhạc và giọng hát đầu tiên vang lên, tôi lập tức bị cuốn hút hoàn toàn vào không gian nghệ thuật của vở diễn. Âm nhạc và giọng hát khiến tôi như thực sự đang sống trong một vở nhạc kịch. Nhân vật Carmen là một vai diễn đầy nội lực. Giọng hát của cô ấy vừa vang cao, lại có chiều sâu và cảm xúc. Đặc biệt là ở phân đoạn cuối cùng, khi mối tình giữa cô và anh lính Don José đi đến bi kịch, tôi cảm nhận được rõ ràng nỗi đau và sự giằng xé trong nhân vật”.

Nghệ sĩ Thùy Dung: “Tôi rất là xúc động bởi vì những aria mà chúng tôi đã làm quen lâu nay hiện rõ một một trước mặt từ những giọng hát tuyệt đẹp của nữ chính và nam chính.Tôi rất mong sẽ có những chương trình tiếp theo như thế này để khán giả có thể thấy rằng xung quanh chúng ta âm nhạc cổ điển hiện hữu một cách rất giản dị và đẹp đẽ”.
Hai vai diễn để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi chính là Don José và Carmen với giọng hát đầy nội lực, tinh tế và giàu cảm xúc. Phần dàn dựng sân khấu cũng khiến tôi không khỏi trầm trồ: từng cảnh chuyển đổi đều mượt mà và khéo léo. Cảm giác như đang được thưởng thức một buổi biểu diễn ngay tại hát lớn ở Pháp vậy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những tràng pháo tay không ngớt và ánh mắt lấp lánh xúc động sau đêm diễn là minh chứng rõ ràng cho sức sống mãnh liệt của kiệt tác opera Carmen khi được truyền tải bằng đam mê và tâm huyết của những nghệ sĩ tài năng. Và chắc chắn, Carmen sẽ còn tiếp tục được lan toả mạnh mẽ hơn nữa trong lòng công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm trên toàn thế giới với một sức sống vượt thời gian. 

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera